Ở Hà Nội chim nội địa không nhiều và không đẹp lắm, cũng là các loài cu, sáo, chào mào, chích chòe, cò, vạc… như các vùng khác, tuy nhiên bị săn bắt nhiều nên càng ngày càng ít dần.
Ngược lại Hà Nội lại là nơi đón nhận chim di cư từ phương Bắc nhiều nhất so với cả nước. Phần lớn chim di cư là những loài chim đẹp.
Về Hà Nội sớm nhất, ngay những ngày đầu tháng 9, là những chú chim nước. Cà kheo với đôi chân mỏng manh, dài miệt mài như những cọng rơm bay đến từng đàn như cò, đáp xuống các ruộng lúa ở ngoại thành để mò tôm bắt cá. Choi và choắt cũng đi theo đàn với số lượng ít hơn cùng tranh ăn bên cạnh cà kheo. Dô nách cũng theo đàn, nhưng nhát hoa, dẽ giun đi về từng cặp, trốn lặng yên trong các lùm cỏ lúp xúp, chỉ bay lên khi có bóng người bước đến gần.
Rồi tiếp theo đó là những con cắt Amur đến từ vùng Amur băng giá của nước Nga, chúng về các ruộng ngô để săn giun, dế, sùng dưới mặt đất.
Trễ hơn một tí là đám hoét, từng con lẻ loi xuất hiện trong các lùm cây kín tại các công viên ngay trung tâm thành phố. Hoét xanh to bằng con quạ, lông đen nhánh ánh lên màu xanh rất đẹp, xuất hiện đầu tiên, kiếm ăn dưới các gốc cây cổ thụ. Tiếp đó là hoét vàng, hoét Nhật, hoét đen, hoét Siberi, hoét đá cổ trắng… lần lượt có mặt. Đám hoét hay tranh nhau đào bới dưới đất để kiếm mồi, thỉnh thoảng rượt đuổi nhau chí chóe.
Nhóm đớp ruồi là nhiều loài nhất, với màu sắc đa dạng và phong phú. Đớp ruồi vàng có màu vàng tươi. Đớp ruồi cằm đen có màu xanh đậm trên lưng và vàng đậm dưới bụng. Đớp ruồi mugi có màu đen trên lưng và màu vàng dưới bụng. Đớp ruồi xanh xám có màu xanh dương nhạt. Rồi đớp ruồi Nhật, đớp ruồi Hải Nam, đớp ruồi Taiga…
Thiên đường đuôi phướn là chim di cư đến từ Nhật Bản, nhưng có nhiều cô cậu cám cảnh hứng tình, khi di cư đến những vùng rừng núi xinh đẹp thì dừng lại, kết đôi với nhau, xây tổ, sinh con đẻ cái thành chim định cư. Các nhiếp ảnh gia Việt đã chụp được tổ của chúng ở vùng miền Đông Nam bộ, Đà Lạt, Bạch Mã, Cúc Phương, Ba Vì, Tam Đảo.
Gây ấn tượng nhất trong các loài chim di cư về Hà Nội là đám oanh. Chúng có dáng đẹp và có nhiều màu sắc lại hót hay. Oanh phần lớn cũng kiếm ăn dưới đất như hoét, nhưng nhỏ con hơn nên hay bị hoét hiếp đáp rượt đuổi. Oanh cổ đỏ, oanh cổ xanh, oanh lưng xanh về đầu tháng 10, hay chiếm lĩnh các khu vườn rau. Oanh cổ trắng, oanh đuôi trắng, oanh đuôi cụt lưng xanh chiếm lĩnh các lùm cây trên cao, chúng bay nhiều hơn là đi trên mặt đất.
Chim đẹp định cư của Việt Nam thường chỉ tìm thấy trên núi cao và các vườn quốc gia. Mỏ rộng xanh, mỏ rộng bạc, mỏ rộng đỏ đen, mỏ rộng hồng là dòng chim quý hiếm được tìm thấy ở Ba Vì, Cúc Phương, Tam Đảo, Bạch Mã, Nam Cát Tiên. Các rừng đó cũngcó dòng đuôi cụt quý hiếm như đuôi cụt bụng vằn, đuôi cụt đầu đỏ, đuôi cụt đầu xám. Những loài chim này chỉ có ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á nên giới xem chim (birdwatching) Bắc Á, Bắc Mỹ và châu Âu phải bỏ ra khá nhiều tiền để đến Việt Nam và một vài nước Đông Nam Á xem các con chim này.
Đỉnh Ngọc Linh của tỉnh Kon Tum, cao 2.500 m, có hai loài khướu đẹp đó là khướu đuôi đỏ và khướu Ngọc Linh, trong đó khướu Ngọc Linh là chim đặc hữu chỉ có ở Ngọc Linh.
Đà Lạt có loài khướu mà không nơi nào ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới có, đó là khướu hông đỏ, chim đặc hữu của Lâm Đồng. Vào mùa xuân chúng từ trên núi cao bay xuống các vườn hồng để ăn quả chín.
Giữa trung tâm Sài Gòn huyên náo và đông đúc lại có một địa điểm tuyệt vời không nơi nào có được, đó là công viên Tao Đàn. Ấy thế mà nơi đó lại có rất nhiều loài chim quý và đẹp tìm về. Người chiếm lĩnh mặt đất, chim chiếm lĩnh các ngọn cây và cả mặt đất nữa. Chưa từng thấy chỗ nào trên đất nước Việt Nam, chim lại dạn người và chia sẻ không gian sống với người như ở Tao Đàn.
Mùa xuân, chim phường chèo về cả bầy, bay chấp chới thắp đỏ, vàng các ngọn cây cao. Màu đỏ là của chim trống, màu vàng là của chim mái, màu mè như vậy nên dân gian gọi chúng là chim phường chèo. Lẫn trong đám phường chèo lại có chim vàng anh, chim bạc má bụng vàng và bạc má mào cũng là những loài hiếm thấy dưới đồng bằng.
Chim giẻ cùi lam đuôi dài, ở nơi khác rất sợ người, nhưng cả đàn bay về Tao Đàn lại rất dạn dĩ. Mới đây tôi chụp ảnh chúng gần đến thốn ống kính. Tương tự như vậy, chim thiên đường đuôi phướn cũng rất dạn khi về tạm trú ở Tao Đàn. Chúng về thường xuyên, mùa di cư năm nào cũng có mặt...
Rất nhiều loài chim thích về trú ngụ ở Tao Đàn có lẽ là do những người ra vào đây đều yêu quý chim, không săn bắt và bức hại chúng.
Theo báo Thanh Niên
Comments