top of page

Quy Nhơn: Điểm đầu cánh cung vươn ra biển lớn

Nguyên Ái

22 thg 2, 2022

Sau cuộc hành binh của vua Lê Thánh Tông vào năm 1471, vùng đất kinh đô Đồ Bàn của vương quốc Chăm Pa đã được sáp nhập vào Đại Việt và đặt tên là Hoài Nhơn. Đến năm 1602, chúa Nguyễn Hoàng cho đổi tên phủ Hoài Nhơn thành phủ Quy Nhơn.

Từ "Quy Nhơn" khi ấy mang hàm ý thể hiện sự quy tụ của những cá nhân xuất chúng, góp phần kiến tạo nên một vùng đất trù phú, giàu có… Sau đó, vua Thành Thái ra chỉ dụ thành lập thị xã Quy Nhơn làm trung tâm tỉnh lỵ Bình Định vào năm 1898. Đến nay, thành phố biển này đã là đô thị loại I, đồng thời cũng đang vươn mình trở thành "ngôi sao sáng" trên bản đồ du lịch Việt Nam.


Bãi trứng Ghềnh Ráng - Bức tranh thủy mặc của Nam Phương hoàng hậu

Đối với người dân Quy Nhơn, Bãi Trứng Ghềnh Ráng luôn là "nữ hoàng" của những bãi biển nơi đây. Bởi Bãi Trứng sở hữu đường biển uốn lượn đẹp mắt, ôm lấy làn nước xanh trong cùng vô số tảng đá hình bầu dục xếp chồng lên nhau trông như những quả trứng. Theo ghi chép của sử sách, Bãi Trứng còn được gọi là Bãi Hoàng Hậu bởi khu vực này là nơi tắm biển dành riêng cho Nam Phương Hoàng Hậu lúc sinh thời.



Bãi Xép - Vẻ đẹp ban sơ bình dị

Hải Minh, Bãi Xếp, Nhơn Hải, Nhơn Lý… là những làng chài lâu đời và nổi tiếng nhất tại Quy Nhơn. Trong đó, nổi bật hơn cả phải kể đến Bãi Xép - địa điểm "được lòng" nhiều tín đồ du lịch nhờ sở hữu cảnh sắc đẹp tựa tranh vẽ. Làng chài Bãi Xép nằm nép mình e thẹn sau những hàng dừa xanh mát, trước mặt là bãi biển trong vắt, sau lưng là núi đồi trập trùng cùng những bãi đá lớn nhỏ. Chuyên trang Business Insider từng nhận xét rằng nơi đây giống như một "viên ngọc" ẩn mình của châu Á, dù không cần phô trương nhưng vẫn toả sáng theo cách riêng.



Tháp đôi giữa lòng phố biển

Theo tài liệu, đôi tháp Chăm này có tên là Hưng Thạnh, trong khi giới nghiên cứu Pháp gọi là Tour Khmer. Cùng với thành Thị Nại, tháp Hưng Thạnh là di sản Chăm cổ nhất trên đất Quy Nhơn hiện nay. Trong cuốn “Nước non Bình Định” của Quách Tấn còn có ghi lại lời ca về tháp Đôi và cầu Đôi:

“Tháp kia còn đứng đủ đôi

Cầu còn đủ cặp, huống chi tôi với nàng

Tháp ngạo nắng sương

Cầu nương sắt đá

Dù người thiên hạ

Tiếng ngả lời nghiêng

Cao thâm đã chứng lòng nguyền

Còn cầu, còn tháp còn duyên đôi lứa mình”.



Có nhà thơ dân gian xứ Nẫu cũng đã từng ca ngợi nước non mình bằng những vần thơ tự hào:

“Tháp Đôi ngả bóng ven đầm

Trông về Mũi Tấn đợi tầm trăng lên

Thuyền ai gió đẩy dập dềnh

Có về Thị Nại đừng quên núi Bà

Ai qua Ghềnh Ráng Tiên Sa

Nhớ người xứ Nẫu nuột nà trao duyên

Cầu Đôi chắp cánh uyên ương

Thương người Bãi Nhạn nhớ phường Phương Mai

Câu ca “bánh ít lá gai”

Thắm miền đất võ trọng tài văn chương”.


Cảnh sắc Eo Gió, Quy Nhơn
Cảnh sắc Eo Gió, Quy Nhơn

Không giống với những thành phố biển khác, cảnh sắc Quy Nhơn luôn bình dị, hiền hoà như chính cốt cách người dân nơi đây. Nhớ Quy Nhơn, người ta không chỉ nhớ cảnh, nhớ người mà còn nhớ những thanh âm, những mùi hương rất đỗi gần gũi và thân thuộc. Đó là mùi ấm nồng của gió biển ở Kỳ Co, Eo Gió; là tiếng mưa rả rích chợt đến rồi chợt đi trên những đỉnh tháp Chăm hay hương vị chân phương, mộc mạc của những món ăn dân dã như bánh xèo, chè nhớ, cháo vịt…

bottom of page